Rối loạn kiểm soát xung động (tên tiếng Anh là Impulse Control Disorders, viết tắt là ICDs) là một nhóm các hành vi có thể xảy ra trong bệnh Parkinson. Đó là những suy nghĩ liên tục hoặc là những sự thôi thúc phải làm một điều gì đó mà không thể kiểm soát được. Triệu chứng này thường là tác dụng phụ của một số loại thuốc. Khoảng 10-20% người bệnh Parkinson có thể xuất hiện ICDs ở một vài thời điểm trong quá trình bệnh.
Các hành vi có thể gặp ở người bệnh Parkinson bị rối loạn kiểm soát xung động là gì?
Người bệnh bị rối loạn kiểm soát xung động có thể có các hành vi sau:
- Chơi cờ bạc quá mức, không kiểm soát được
- Ăn quá nhiều
- Mua sắm quá mức
- Hoạt động tình dục quá mức
Các hành vi này có thể ảnh hưởng đến nhân cách, gia đình và xã hội. Ví dụ, chơi cờ bạc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài chính, ăn nhiều có thể dẫn đến tăng cân…
Một rối loạn hành vi khác có thể xảy ra như làm đi làm lại những việc giống nhau (punding): tháo rời và lắp ghép lại một cái máy vi tính, phân loại và sắp xếp lại các cuốn sách ở trên kệ liên tục…
Các rối loạn kiểm soát xung động có liên quan đến các thuốc điều trị bệnh Parkinson không?
Rối loạn kiểm soát xung động có thể xuất hiện ở bất kỳ người bệnh Parkinson nào. Tuy nhiên, rối loạn kiểm soát xung động được thấy phổ biến nhất ở người bệnh được điều trị với các thuốc đồng vận dopamine. Ngoài ra, rối loạn kiểm soát xung động có thể gặp ở những người bệnh không điều trị hoặc được điều trị với các thuốc khác, nhưng ít phổ biến.
Làm sao để người bệnh biết họ có nguy cơ cao bị rối loạn kiểm soát xung động?
Những người bệnh thích tìm kiếm sự mới lạ hoặc là những người bốc đồng có thể có nguy cơ bị rối loạn kiểm soát xung động cao hơn. Tiền sử chơi cờ bạc và lạm dụng rượu cũng làm tăng nguy cơ. Nhưng nguy cơ chính là việc sử dụng các đồng vận dopamine, đặc biệt ở liều cao.
Người bệnh nên làm gì khi nghi ngờ mình bị rối loạn kiểm soát xung động?
Điều quan trọng là cần nhận ra các rối loạn kiểm soát xung động sớm nhất có thể vì chúng có nguy cơ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Nếu người bệnh hoặc người thân nhận thấy triệu chứng rối loạn kiểm soát xung động thì hãy nói với bác sĩ.
Người bệnh có thể yêu cầu một cuộc nói chuyện riêng tư và bí mật. Trong trường hợp khó nói, người bệnh có thể viết ra các vấn đề và câu hỏi, sau đó đưa cho bác sĩ xem. Cũng như các vấn đề khác, sẽ có ích nếu có bạn đời, người chăm sóc, bạn bè hoặc người thân đi cùng người bệnh đến gặp bác sĩ. Họ có thể giúp người bệnh tìm ra cách để khắc phục tình hình.
Một số người bệnh có triệu chứng rối loạn kiểm soát xung động không nhận ra và không biết về hậu quả nghiêm trọng của nó, một số người bệnh còn giữ bí mật về các triệu chứng của mình. Đó là lý do tại sao người chăm sóc và các thành viên trong gia đình phải phối hợp với bác sĩ để nhận ra và theo dõi rối loạn kiểm soát xung động.
Rối loạn kiểm soát xung động quá mức có điều trị được không?
Rối loạn kiểm soát xung động có thể điều trị được. Đầu tiên, bác sĩ sẽ điều chỉnh các thuốc Parkinson. Việc giảm liều hoặc ngưng thuốc đồng vận dopamine thường có hiệu quả. Người bệnh không nên ngưng hoặc thay đổi thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Nếu như các rối loạn kiểm soát xung động không quá nặng, việc thay đổi thuốc từ từ sẽ tránh không làm các triệu chứng vận động nặng hơn. Trong một số trường hợp, ngưng các thuốc đồng vận dopamine đột ngột có thể gây ra các triệu chứng cai thuốc như:
- Lo âu
- Trầm cảm và thờ ơ
- Mệt mỏi
- Rối loạn giấc ngủ
- Đau toàn thân
Nếu có các triệu chứng trầm cảm hoặc các rối loạn cảm xúc khác, hãy nói chuyện với bác sĩ tâm thần. Trong một số trường hợp, các thuốc tâm thần có thể giúp ích.
Việc vượt qua rối loạn kiểm soát xung động có thể là một thách thức, nhưng người bệnh có thể nhận ra chiến lược điều trị phù hợp nhất cho mình nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ. Điều quan trọng là người bệnh phải luôn cởi mở và liên lạc thường xuyên với bác sĩ, người chăm sóc về tình trạng sức khỏe của mình.
Giới thiệu kết nối cộng đồng
fanpage facebook: Dụng cụ y khoa 36
Youtube: Y khoa LD