Trên thực tế ngoài bệnh Parkinson còn nhiều bệnh nhân có biểu hiện giống bệnh Parkinson người ta gọi là hội chứng Parkinson. Hội chứng parkinson thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thoái hóa thần kinh, do nhiễm khuẩn (viêm não), do nhiễm độc (trong đó có một số thuốc an thần kinh…), do chấn thương, do tổn thương mạch máu não (đột quỵ, đái tháo đường, vữa xơ mạch não, tăng huyết áp)…
BỆNH PARKINSON LÀ GÌ?
Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa của hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở những người lớn tuổi (trên 60 tuổi), nhưng cũng có khoảng 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới 40 tuổi, ở giai đoạn này được gọi là bệnh Parkinson khởi phát sớm. Bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới nhưng thường gặp ở nam giới hơn và hiện nay các nhà nghiên cứu cũng chưa biết nguyên nhân tại sao.
Hiện nay chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hẳn bệnh. Tuy nhiên với sự phát triển của nền y học hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng của bệnh như dùng thuốc nhiều năm, phẫu thuật và kết hợp điều trị vật lý trị liệu.
BỆNH PARKINSON BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Parkinson là một loại rối loạn vận động nên các triệu chứng biểu hiện rõ nhất liên quan đến chức năng vận động.
CÁC DẤU HIỆU LÂM SÀNG ĐẶC TRƯNG
Triệu chứng phổ biến nhất là run. Run thường bắt đầu ở tay và chân, cử động thường thấy là đối chiếu ngón cái và ngón trỏ (thường là loại run sấp-ngửa của bàn tay, ngón trỏ có xu hướng gặp ngón cái khi run). Thường là run khi nghỉ ngơi.
Bệnh Parkinson có thể làm cho khó khăn khi bắt đầu một động tác tự ý, ví dụ như khi khởi đầu bước đi, nhưng sau khi đi được rồi thì cũng khó dừng lại. Điều này cũng khiến cho việc thực hiện các chức năng đơn giản trở nên khó khăn và mất thời gian nhiều hơn.
-Vận động chậm
-Vận động giảm –
– Mất vận động.
– Tư thế và dáng bộ không vững.
– Cứng cơ: Do tăng trương lực cơ, có thể xảy ra ở bất kì phần nào của cơ thể. Nó làm giới hạn tầm vận động, gây đau. Từ đó ảnh hưởng đến chức năng di chuyển sinh hoạt của người bệnh.
– Bước đi tê cứng: Là sự mất khả năng di chuyển tạm thời, đột ngột, kéo dài trong vài giây hoặc vài phút. Chẳng hạn người bệnh muốn nhấc chân lên để bước đi nhưng không thể.
Vì vậy tê cứng cũng là nguyên nhân phổ biến gây té ngã ở người bệnh Parkinson.
– Một số triệu chứng khác:
- Mất thăng bằng và mất điều hòa vận động.
- Chữ viết nhỏ dần.
- Giọng nói thay đổi: đơn điệu, lặp lại từ, lắp bắp trước khi nói hoặc nói chuyện nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn.
- Mất sự biểu cảm trên khuôn mặt.
- Rối loạn lo âu, trầm cảm.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Táo bón.
Các giai đoạn tiến triển của bệnh Parkinson:
– Giai đoạn 1: Có các dấu hiệu ở 1 bên cơ thể, bệnh nhân vẫn tự chủ trong các sinh hoạt.
– Giai đoạn 2: có các dấu hiệu ở hai bên nhưng không bị mất thăng bằng.
– Giai đoạn 3: có triệu chứng cả 2 bên cơ thể có mất thăng bằng nhưng bệnh nhân vẫn tự chủ được trong hoạt động tuy có bị hạn chế.
– Giai đoạn 4: bị suy giảm chức năng nặng nhưng vẫn có thể đi đứng được cần sự hỗ trợ một phần.
– Giai đoạn 5: bệnh nhân phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường, không còn tự chủ được.