Chó, mèo là những loài động vật được nuôi nhiều trên thế giới đặc biệt ở nước ta. Tuy chúng là những động vật thân thiết với con người nhưng khi tiếp xúc, đùa giỡn với chúng, chúng ta có khả năng bị chúng cắn. Nếu xử trí vết thương do chó mèo cắn không đúng cách, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Xử trí vết thương do chó mèo cắn
Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi 1 loại vi rút, bệnh lây truyền từ động vật sang người. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.
Vi-rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể người (động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, lớp niêm mạc miệng, mũi của người).
96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn, tuy nhiên cũng có một số báo cáo về bệnh dại ở người là do vết cắn của mèo, cầy, chó rừng, cáo, chó sói,…
Chó mèo dại có biểu hiện như thế nào?
Chó dại có rất nhiều biểu hiện, một số biểu hiện đặc thù ở chó dại như:
- Cắn khi không bị trêu chọc
- Ăn những thứ khác thường như gậy, móng tay …
- Chạy mà không có lý do rõ ràng
- Thay đổi trong âm thanh, ví dụ sủa khàn, gầm gừ hoặc sủa không ra tiếng
- Tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép, sợ nước
- Thay đổi thói quen thường ngày hoặc chết
Mèo dại có rất nhiều biểu hiện, một số biểu hiện đặc thù ở mèo dại như:
- Sốt, đau cơ
- Dễ cáu gắt, bồn chồn, hay rùng mình (là trạng thái chung xuất hiện khi mèo bị ốm và bực dọc)
- Sợ ánh sáng, sợ hãi tột độ với ánh đèn sáng
- Nôn mửa, tiêu chảy, ho hen, chảy nước dãi, sùi bọt quanh mép
- Không thể hoặc không muốn nhai nuốt, dẫn tới chán ăn, hoặc không thiết tha với thức ăn.
- Lo lắng bồn chồn, sợ nước, sợ đến gần nước hoặc sợ hãi tiếng nước
- Hung hãn, dữ tợn, dễ bị kích động, thường nhe răng ra như thể sắp sửa cắn xé
Cách xử trí vết thương do chó mèo cắn
Nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh dại là xử trí vết thương do chó mèo cắn, làm sạch vết thương và thực hiện tiêm phòng ngay.
Xử trí vết thương do chó mèo cắn cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:
- Rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian 15 phút (nếu không có xà phòng, có thể rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút). Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất khi xử trí vết thương do chó mèo cắn để chống lại bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc những thuốc tương tự.
- Có thể dùng băng dán tiệt trùng dán lên vết thương để tránh bụi bẩn.
- Đưa người bị chó mèo cắn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám tình trạng và điều trị.
Một số lưu ý khi xử trí vết thương do chó mèo cắn
- Khi xử trí vết thương do chó mèo căn, cần tránh để các chất kích thích như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm dây vào vết thương.
- Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương, tránh khâu vết thương vì có thể khiến virus dại xâm nhập dễ dàng hơn.
- Đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất nếu bị bất kỳ loài động vật nào cắn, kể cả vật nuôi. Thậm chí nếu không chắc chắn liệu mình có bị cắn hoặc lây nhiễm hay không, vẫn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn.
- Nên đến các cơ sở, trung tâm uy tín để tiêm phòng theo đúng lịch và đúng liều, vì tiêm vắc xin chính là biện pháp ngăn ngừa bệnh dại chủ động và toàn diện nhất.
Fanpage facebook: Dụng cụ y khoa LD
Youtube: Y khoa LD