Lợi ích của khám phụ khoa định kỳ đối với phụ nữ
Khám phụ khoa thường xuyên sẽ giúp bạn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chăm sóc cơ thể đúng cách và quan trọng là ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn nên khám định kỳ cho dù bạn có triệu chứng hay không.
Mỗi lần khám phụ khoa định kỳ, việc phát hiện bệnh và điều trị sẽ dễ dàng và không bị tốn kém. Đối với những phụ nữ đã sinh đẻ, phụ nữ trên 35 tuổi và đang thời kỳ tiền mãn kinh thì việc khám phụ khoa định kỳ còn giúp bạn ngăn ngừa và phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung…
Qua việc thăm khám, phụ nữ sẽ được khám kiểm tra cơ quan sinh dục ngoài (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung) và cơ quan sinh dục trong (tử cung, tai vòi và buồng trứng). Từ việc khám phụ khoa, bác sĩ có thể phát hiện các dị dạng đường sinh dục có thể ảnh hưởng tới khả năng có thai (như tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn), các rối loạn chức năng của buồng trứng…
Ngoài ra, khám phụ khoa định kỳ, chị em còn được tư vấn về sức khỏe sinh sản, về cách phòng tránh thai an toàn hiệu quả, cách giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi khuê phòng, phát hiện được những rối loạn về nội tiết, tâm lý… để từ đó có phương hướng điều trị.
Khám phụ khoa là khám những gì?
Cơ quan sinh dục của phụ nữ được chia thành hai phần chính là: cơ quan sinh dục trên (tử cung, vòi trứng, buồng trứng, ống dẫn trứng) và cơ quan sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung). Khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ khám tổng quát và chi tiết tất cả các cơ quan thuộc bộ phận sinh dục. Đồng thời, nữ giới sẽ được chỉ định thực hiện những xét nghiệm cần thiết như: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng,… nhằm phát hiện chính xác bệnh lý gặp phải tại cơ quan sinh sản.
Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị mắc ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo sẽ chỉ định họ làm thêm các xét nghiệm sàng lọc ung thư cần thiết như sinh thiết cổ tử cung, xét nghiệm PAP,…
Các bước khám phụ khoa cơ bản
Thông thường, khám phụ khoa sẽ được thực hiện các bước sau:
- Hỏi thông tin, tình trạng hiện tại của bệnh nhân
Trước khi tiến hành thực hiện các hoạt động thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cá nhân, tình trạng bệnh lý, dấu hiệu bất thường và tiểu sử bị của bệnh nhân. Qua các thông tin khảo sát này, bác sĩ sẽ quyết định các bước thăm khám chi tiết tiếp theo.
- Thăm khám bên ngoài
Ở bước khám này, bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra bên ngoài cơ quan sinh dục, vùng ngực xem có gì bất thường không.
- Khám âm đạo
Trong bước khám âm đạo này, bác sĩ sẽ quan sát âm đạo xem có gì bất thường không. Sau đó sẽ sử dụng dụng cụ mỏ vịt để đưa vào bên trong âm đạo nhằm quan sát thành âm đạo và cổ tử cung. Ở bước này, bác sĩ có thể sẽ tiến hành lấy mẫu dịch âm đạo hoặc tế bào nếu nghi ngờ người bệnh mắc các bệnh phụ khoa.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm đầu dò để kiểm tra toàn bộ cơ quan sinh dục đối với phụ nữ đã có gia đình hay từng quan hệ tình dục. Còn với những bạn gái chưa quan hệ tình dục, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp siêu âm vùng bụng để khảo sát những thông tin này.
- Xét nghiệm dịch âm đạo
Hầu hết các buổi khám phụ khoa đều bao gồm bước xét nghiệm dịch âm đạo, nhằm giúp bác sĩ xác định xem liệu bạn có mắc các bệnh viêm âm đạo do nấm, trùng roi, tạp khuẩn hay không. Dịch âm đạo thường được bác sĩ lấy trên đầu dò siêu âm hoặc lấy khi soi âm đạo bằng mỏ vịt.
- Khám tử cung
Bác sĩ thường dùng tay sờ nắn vùng bụng để xác định vị trí, kích thước của tử cung. Ngoài ra, tại bước này bác sĩ có thể tiến hành siêu âm hoặc siêu âm đầu dò để xác định cấu trúc, tình trạng của tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn chứng. Khám tử cung là để xác định bệnh lý tại tử cung, bác sĩ không thể bỏ qua bước thăm khám này.
- Xét nghiệm
Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm cần thiết khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.
Nguồn sưu tầm
Giới thiệu kết nối cộng đồng
fanpage facebook: Dụng cụ y khoa 36
Youtube: Y khoa LD