Lịch sử ra đời của xà bông (xà phòng)
3000 năm trước công nguyên, những người tiền sử dọc bờ sông Nin sau những lần nướng thịt thú săn trên lửa để ăn, để tế thần. Những giọt mỡ rơi xuống đống tro tàn khi nguội lại sẽ vón thành cục cứng có màu xám xịt của tro. Khi các cục cứng đó kết hợp với nước sẽ tạo ra bọt, khi dùng để tẩy rửa vết bẩn (cố ý hoặc ngẫu nhiên) sẽ rửa trôi rất nhanh, từ đó người ta chủ động làm theo cách đó để chế tạo ra sản phẩm tẩy rửa đầu tiên của văn minh nhân loại loài người.
Rồi cũng có giả thiết cho rằng người cổ đại từ lâu đã biết tẩy rửa vệt bẩn trên cơ thể bằng cách bôi dầu tràm lên da, sau đó dùng nước hoa quả trộn với tro rửa lại cơ thể cho sạch.
Nhưng giả thiết phổ biến nhất, có độ tin cậy cao nhất vẫn là 600 năm trước công nguyên ở đế chế La Mã cổ đại, có nhóm phụ nữ “tình cờ phát hiện” giặt quần áo trên sông Tiber dưới chân thành Sapo (Thành Roma) sạch sẽ hơn hẳn so với các dòng sông khác. Vậy bí mật khác biệt nằm ở đâu? Đó chính là do lớp tro và mỡ động vật đổ ra từ các miếu thờ thần nằm trên đỉnh đồi. Kết hợp với nước từ dòng sông, chúng tạo thành chất tẩy rửa cổ đại, tiền thân của xà bông hiện đại ngày nay.
Từ đó cái tên gọi phản ứng xà phòng hóa gọi là “Saponification” được lái theo là tên đồi Sapo nơi người ta khám phá ra xà bông. Từ “xà bông” trong tiếng Anh là Soap, tiếng Pháp là Savon đều bắt nguồn từ Sapo mà ra, còn tiếng Việt là xà bông.
Khoảng năm 600 trước Công nguyên, những người đi biển từ đất nước Tây Ban Nha cổ đại đã làm ra loại xà phòng tương tự như xà phòng hiện nay. Họ sử dụng tro của thân cây (chứa nhiều kali) hòa với mỡ dê và đun sôi. Sau khi nước bốc hơi và phần chất rắn nguội đi, hỗn hợp này trở thành một chất rắn giống như sáp: đó chính là xà phòng.
Họ bán xà bông cho người Hy Lạp và người La Mã để rửa hoặc giặt quần áo.
Người Celt ở nước Anh thời cổ xưa cũng làm ra xà phòng từ tro thân cây và mỡ động vật. Họ gọi sản phẩm này là ‘saipo’. Đó chính là nguồn gốc của từ ‘soap’ (xà phòng) trong tiếng Anh hiện đại ngày nay.
Đến năm 300 sau Công nguyên, Zosimos của Panopilos, một nhà hóa học người Ai Cập, đã có thể làm xà phòng rất giỏi và ông đã viết về quy trình nấu xà bông. Ở Naples vào thế kỷ VI và ở Tây Ban Nha vào thế kỷ VIII đã có phường hội sản xuất xà phòng. Cũng vào thế kỷ VIII, ông Jabir Ibn Hayyan, một trí thức người Ả Rập, đã viết về việc sử dụng xà phòng để tắm rửa.
Cơ chế tẩy rửa của xà bông
Xà phòng là muối kali hay natri của axit béo hay xà phòng tổng hợp đều có hai phần. Một là đầu hiđrocacbon kị nước, còn một đầu là ion kim loại ưa nước. Đối với các vết bẩn, dầu mỡ bám trên mặt vải thì đầu kị nước sẽ quay vào trong vết bẩn, đầu ưa nước hướng ra ngoài. Sau đó sẽ tạo thành mixen là một khối dạng cầu có đầu ưa nước quay ra ngoài tách vết bẩn ra khỏi bề mặt vải.
Cơ chế diệt các loại virus và vi khuẩn của xà bông thông dụng
Cơ chế diệt các loại virus và vi khuẩn của xà bông thông dụng
Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, các cơ quan chuyên môn về y tế quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã lập tức đưa ra khuyến nghị là mọi người nên rửa tay với xà phòng và nước để ngăn ngừa bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thời gian rửa tay phải ít nhất là 20 giây và phải rửa đúng cách: toàn bộ mặt trên và dưới bàn tay, các kẽ móng, kẽ ngón tay.
Vậy, xà phòng loại thông thường có tác dụng như thế nào trong việc tiêu diệt các loại virus, trong đó có SARS-CoV-2?
Giáo sư Palli Thordarson ở Đại học New South Wales (Úc) đã giải thích về sự hữu hiệu của xà phòng thông thường trong việc “bất hoạt” (inactive) virus.
Từ “bất hoạt” đang được y giới sử dụng rộng rải để chỉ sự vô hiệu hóa hoạt động của virus. Lý do là đa số không xem virus là một sinh vật có sự sống hoàn chỉnh, vì virus không có khả năng tự sinh sản và hấp thụ năng lượng để sống sót (virus phải có vật chủ mới có thể duy trì sự tồn tại của nó).
Giáo sư Thordarson giải thích về cơ chế hoạt động của xà phòng trong việc bất hoạt virus SARS-CoV-2 như sau:
Xà phòng kết hợp với nước sẽ phá hoại cấu trúc của virus, giống như việc rút một lá bài của một tòa nhà xếp bằng những lá bài. Điều này sẽ làm cả tòa nhà bị đổ sập.
Cấu tạo của virus SARS-CoV-2 gồm những phân tử chất béo lipid, protein và RNA. Trong đó, mắt xích yếu nhất là các phân tử chất béo, đây là lớp vỏ bọc bảo vệ của con virus, vừa hỗ trợ sự xâm nhập của virus vào các tế bào cơ thể.
Khi dùng xà phòng và nước rửa tay, vì xà phòng có chứa các thành phần phân tử giống chất béo gọi là chất “lưỡng phần” (amphiphile). Chất lưỡng phần có cấu trúc tương tự như chất béo lipid của virus, và sẽ “cạnh tranh” với các các lipid của virus.
Song song đó, chất này còn có tác dụng “hòa tan” các liên kết phi hóa trị (non-covalent bond) của virus, các liên kết này chính là “chất keo” giúp liên kết các thành phần phân tử lipid, protein và RNA của virus. Nhờ vậy, phân tử xà phòng sẽ đẩy virus bong tróc khỏi bề mặt da tay và bị sụp đổ cấu trúc, làm con virus bị tiêu diệt.
Giáo sư Thordarson và một số đồng sự cũng nhận xét rằng giải pháp dùng xà phòng và nước để rửa tay tốt hơn so với nước rửa tay khô (hand sanitizer) và cồn y tế. Lý do là nếu dùng các loại sau nếu trong thời gian quá ngắn sẽ không có tác dụng diệt sạch các loại virus như rửa tay bằng xà phòng và nước trong thời gian 20 giây.
Xà bông diệt khuẩn (Antibacterial soap)
Trước nay, các hãng sản xuất hóa mỹ phẩm quốc tế thường rầm rộ quảng cáo rằng xà phòng diệt khuẩn là có thể diệt các loại vi khuẩn gây hại sức khỏe lây truyền qua da…
Nhưng cách đây gần 4 năm, ngày 2-9-2016, Cơ quan Quản lý thực – dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ban hành lệnh cấm lưu hành một số lớn loại xà bông diệt khuẩn trên thị trường Mỹ, với lý do các nhà sản xuất không chứng minh được những sản phẩm này an toàn và có hiệu quả hơn các loại xà phòng thông thường khác.
FDA tuyên bố một số loại xà bông diệt khuẩn chẳng mang lại lợi ích gì cho sức khỏe của người tiêu dùng, mà ngược lại.
Quy định này của FDA áp dụng cho các loại xà bông có chứa chất triclocarban thường gặp trong xà phòng dạng bánh và triclosan thường gặp trong xà phòng dạng lỏng.
Một nghiên cứu của Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy chất triclosan làm biến đổi các microbiome ở đường ruột con người và sự nhiễm tricolsan có thể gây tổn thương cho bào thai đang trong thời kỳ phát triển. Các nghiên cứu khác thực hiện vào năm 2016 cho thấy lạm dụng xà phòng diệt khuẩn có thể làm tăng đề kháng với thuốc kháng sinh của một số vi khuẩn.
Tiến sĩ Patrick McNamara thuộc Đại học Marquette (Mỹ), người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về xà phòng kháng khuẩn, cho biết: “Nước thải sinh hoạt có lẫn triclosan hoặc triclocarban khi thải ra ngoài môi trường sẽ làm cho các loài vi khuẩn chẳng những không bị chết mà còn giúp chúng tăng sức đề kháng với các loại kháng sinh”.
Một nghiên cứu trước đó vào năm 2015 kết luận rằng các thành phần công thức có trong các loại xà phòng diệt khuẩn cũng không mang lại hiệu quả diệt khuẩn cao hơn so với xà phòng thông thường.
Theo FDA, 93% số xà bông dạng lỏng có ghi nhãn là “kháng khuẩn” (antibacterial” hoặc “antimicrobial”) hiện đã được loại dần chất triclosan ra khỏi thành phần của chúng.
Một số nước trong khối EU đã cấm dùng triclosan, nhưng chất này vẫn còn được sử dụng rất phổ biến trong kem đánh răng vì được cho rằng rất hiệu quả để phòng các bệnh về nướu.
fanpage facebook: Công ty TNHH TM DV Linh Duyên
Youtube: Y khoa LD