Súc miệng bằng nước muối đúng cách
Súc miệng bằng nước muối đúng cách là biện pháp giữ gìn vệ sinh răng miệng hiệu quả.
Tại sao nên súc miệng bằng nước muối
Muối thô với thành phần chủ yếu là natri clorua có thể hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong nhiều loại thực phẩm vì muối hấp thụ các phân tử nước. Trong khi đó, vi khuẩn cần độ ẩm để phát triển nên chúng không thể sinh sôi nếu không có đủ nước.
Nước muối không phải là một loại kháng sinh vì không thể giết chết vi khuẩn ngay lập tức khi tiếp xúc. Theo một bài báo công bố trên Tạp chí Nha khoa Anh năm 2003, thói quen súc miệng nước muối rất tốt nhờ tác dụng kiềm hóa. Điều này có nghĩa là nước muối làm tăng độ pH trong miệng, giúp ngăn chặn sự tăng sinh của vi khuẩn, do hầu hết các vi khuẩn đều thích môi trường axit.
Lợi ích khi súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối làm dịu bớt các vết loét, giảm sưng đau sau nhổ răng và giúp cho hơi thở thơm mát tự nhiên.
Súc miệng với nước muối sau bữa ăn trưa hoặc giờ nghỉ giải lao có thể giúp loại bỏ các vi khuẩn trong khoang miệng có thể gây viêm nướu và hôi miệng. Thêm vào đó, nước muối còn loại bỏ các mảng thức ăn bị mắc kẹt giữa các răng. Thức ăn còn kẹt lại có thể gây kích ứng và viêm nướu, khiến bạn dễ bị sâu răng và phải đến nha sĩ thường xuyên.
Muối có trong dung dịch nước muối làm tăng lưu lượng máu đến miệng, do đó có thể giúp các vết xước hay loét hay trong miệng mau lành hơn.
Súc miệng bằng nước muối đúng cách sẽ giúp hạn chế sự phát triển một số tình trạng răng miệng phổ biến. Chẳng hạn như sẽ ít có khả năng bị viêm nướu hơn bởi nướu không bị sưng, viêm. Ngoài ra, cũng hạn chế được nguy cơ sâu răng và đau họng.
Đây là một phương thuốc đơn giản mà hữu hiệu khi bị đau họng. Nước muối giúp tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời mang thêm nhiều tế bào bạch cầu đến khu vực bị nhiễm trùng.
Hướng dẫn súc miệng bằng nước muối
B1: Hớp một ngụm nước muối vừa đủ vào miệng. Nên tránh hớp quá nhiều nước vì sẽ khó súc.
B2: Súc miệng trong ít nhất 30 giây. Để có kết quả tốt nhất, hãy đảm bảo chắc chắn dung dịch có thể tiếp xúc với các khu vực khó tiếp cận trong miệng, đặc biệt là giữa các kẽ răng.
B3: Nhổ ra và hớp ngụm thứ hai. Ở lần này, hãy cố kéo dài thời gian súc lên ít nhất 60 giây để nước muối có thời gian tác dụng đến toàn bộ khu vực răng miệng lâu hơn.
B4: Súc miệng lại bằng nước sạch một vài lần để loại bỏ lượng muối còn sót lại trong miệng.
Lưu ý khi súc miệng nước muối
Không uống luôn nước muối
Không nên nuốt dung dịch nước muối bởi muối quá mặn và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Không súc miệng quá nhiều lần
Sau khi chải răng hoặc sử dụng chỉ nha khoa, có thể súc miệng nước muối từ 3 – 4 lần mỗi tuần. Không nên súc miệng nước muối quá nhiều bởi lượng natri trong dung dịch có thể làm hư hại lớp men răng, dẫn đến mòn men răng.
Nguồn tổng hợp
fanpage facebook: Công ty TNHH TM DV Linh Duyên
Youtube: Y khoa LD