Sốc nhiệt xử trí như thế nào?

Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt tăng nhanh và cơ thể không có khả năng hạ nhiệt kịp thời. Sốc nhiệt gây rối loạn chức năng thần kinh, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng vì làm tổn hại não cũng như những cơ quan quan trọng khác. Một người có thể bị say nắng, sốc nhiệt khi hoạt động gắng sức trong thời tiết nóng hoặc ở một nơi nóng quá lâu.

Sốc nhiệt

Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt 

  • Người già và trẻ em;
  • Người béo phì;
  • Người bệnh, cơ thể suy nhược;
  • Có bệnh tim mạch, thần kinh hoặc rối loạn nội tiết;
  • Người rối loạn bài tiết mồ hôi;
  • Thanh niên trẻ, khỏe mạnh nhưng tập thể dục, gắng sức dưới nhiệt độ môi trường cao trong thời gian dài.

Ngoài ra, việc mất nước, uống rượu bia hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định cũng là những yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng say nắng, sốc nhiệt.

Dấu hiệu nhận biết

Sốc nhiệt

Say nắng và sốc nhiệt có thể xảy ra đột ngột mà không liên quan đến bất kỳ tình trạng mệt mỏi hoặc kiệt sức vì nhiệt nào trước đó. Các dấu hiệu say nắng bao gồm:

  • Sốt, nhiệt độ của cơ thể tăng đáng kể, từ 40 độ C trở lên;
  • Thay đổi trạng thái tinh thần và hành vi, chẳng hạn như mơ hồ, kích động, nói chậm, co giật;
  • Da mặt ửng đỏ, toàn thân nóng, khô hoặc ẩm do đổ nhiều mồ hôi;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Mạch đập nhanh, thở gấp;
  • Đau đầu;
  • Ngất xỉu (thường là dấu hiệu đầu tiên ở người lớn tuổi).

Cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt

Đối với những trường hợp bị say nắng, cần lập tức áp dụng những biện pháp sơ cứu khi bị sốc nhiệt đúng cách để giúp nạn nhân thoát khỏi nguy hiểm.

Bước 1: Gọi xe cấp cứu

Nếu nghi ngờ bản thân hoặc người khác đang bị say nắng với nhiều biểu hiện nghiêm trọng, cần gọi ngay số cấp cứu 115 và tiến hành các bước xử trí ban đầu trong thời gian chờ sự giúp đỡ y tế.

Bước 2: Làm mát người bị sốc nhiệt

Sau đó, ngay lập tức di chuyển người bị sốc nhiệt ra khỏi nguồn nhiệt, chuyển tới nơi bóng râm. Cởi bỏ quần áo dư thừa và làm mát nạn nhân bằng bất kỳ phương tiện nào sẵn có, ví dụ như:

  • Đặt người vào bồn nước mát hoặc tắm mát;
  • Dùng vòi tưới gần đó xịt nhẹ hoặc vẩy nước lên nạn nhân;
  • Lau toàn thân bằng nước mát;
  • Bật quạt phun sương và quạt thường để thoáng khí;
  • Đặt túi nước đá hoặc khăn ướt mát lên cổ, nách và bẹn của nạn nhân;
  • Quấn người bị say nắng bằng khăn thấm nước mát.

Cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của nạn nhân và tiếp tục làm mát cho đến khi thân nhiệt giảm xuống còn dưới 38,3 – 38,8 độ C.

Bước 3: Cho nạn nhân uống nước

Nếu có nước mát hãy cho người bệnh uống ngay để bù nước. Tuy nhiên cần lưu ý không dùng:

  • Đồ uống có đường, có chứa cafein hoặc có cồn vì sẽ làm tăng cơn khát hơn;
  • Đồ uống quá lạnh vì có thể gây ra co thắt dạ dày.

Bước 4: Hô hấp nhân tạo

Bắt đầu hô hấp nhân tạo, hồi sinh tim phổi (CPR) nếu người bệnh mất ý thức và không có dấu hiệu lưu thông tuần hoàn, chẳng hạn như không thở, ho hoặc cử động.

Phòng tránh say nắng, sốc nhiệt

Sốc nhiệt và say nắng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Hơn thế nữa, việc hiểu biết về các rối loạn do sốc nhiệt gây ra giúp con người giảm được tỷ lệ bệnh tật và cũng như nguy cơ tử vong. Những việc cần làm để phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng cụ thể là:

  • Tự rèn luyện cho cơ thể dần thích nghi với thời tiết nóng;
  • Sắp xếp thời gian lao động hoặc tập thể dục – thể thao vào giờ mát mẻ trong ngày;
  • Hạn chế các công việc vào thời điểm khí hậu quá nóng bức;
  • Thường xuyên nghỉ giải lao khi phải làm việc lâu dưới ánh mặt trời;
  • Uống nước lọc thường xuyên và đầy đủ, bổ sung thêm thức uống thể thao bù muối khoáng và chất điện giải (natri);
  • Không nên dùng các thức uống có cồn, cafein và đường vì rất dễ gây mất nước;
  • Khi đang mắc bệnh thì không nên làm việc dưới điều kiện thời tiết nóng bức;
  • Lựa chọn quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu lúc trời nóng.

Giới thiệu kết nối cộng đồng Y KHOA LD

fanpage facebook: Dụng cụ y khoa LD

Youtube: Y khoa LD

Trả lời