Nước ối có tác dụng gì đối với thai nhi

Nước ối là gì?

Nước ối

Trong lòng tử cung, thai nhi nằm bên trong một túi ối, túi này được cấu tạo gồm hai màng, một màng ối và một màng đệm. Thai nhi phát triển và lớn dần bên trong túi và được bao bọc xung quanh bởi nước ối.

Ban đầu, nước ối là chất dịch được sản xuất từ mẹ. Cho đến khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, lúc mà thai nhi bắt đầu nuốt và bài tiết dịch thải, phần lớn lượng nước ối có nguồn gốc từ nước tiểu của thai.

Nước ối cũng chứa những thành phần quan trọng, như chất dinh dưỡng, hormone và các kháng thể để đề kháng lại sự nhiễm trùng.

Nước ối có màu xanh hoặc nâu chỉ ra rằng thai nhi đã thải phân su trước khi được sinh ra.

Phân su trong dịch ối có thể dẫn đến nhiều vấn đề, có thể gây ra một bất thường hô hấp được gọi là hội chứng hít nước ối phân su, xảy ra khi phân su bị hít vào phổi.  Trong nhiều trường hợp, các trẻ sau sinh cần được điều trị.

Chức năng

3 tháng đầu của thai kỳ

Nước ối có vai trò trong:

  • Bảo vệ thai nhi: Nước ối là chất đệm bảo vệ thai khỏi các áp lực từ bên ngoài, đóng vai trò như lớp giảm sóc.
  • Điều hòa nhiệt độ: Nước ối cách ly và giữ cho thai nhi ấm áp cũng như đảm bảo nhiệt độ ổn định.
  • Kiểm soát nhiễm trùng: Nước ối có nhiều kháng thể bên trong.
  • Phát triển bình thường của phổi và hệ tiêu hóa: Bằng cách hít và nuốt nước ối, thai nhi có thể học cách sử dụng các cơ của các hệ cơ quan này khi chúng lớn dần.
  • Phát triển cơ xương: Bởi vì thai nhi nằm trôi bên trong túi ối, nó có thể tự do hoạt động, tạo điều kiện cho các cơ và xương được phát triển đầy đủ.
  • Bôi trơn: Nước ối ngăn các bộ phận của cơ thể thai nhi như ngón tay và ngón chân không bị phát triển dính vào nhau; dính ngón có thể xảy ra khi lượng nước ối quá ít.
  • Nâng đỡ dây rốn: Nước ối trong tử cung giúp bảo vệ dây rốn không bị đè xẹp. Dây rốn này có vai trò cung cấp dinh dưỡng và oxy từ nhau thai đến thai nhi đang phát triển.

Bình thường, lượng nước ối sẽ nhiều nhất trong khoảng 36 tuần tuổi, lượng dịch lúc này đo được khoảng 1,14 lít. Lượng dịch này sẽ giảm dần cho đến lúc sinh.

Khi vỡ ối xảy ra, túi ối bị rách. Nước ối bên trong túi ối bắt đầu rỉ ra ngoài cơ thể qua cổ tử cung và âm đạo.

Vỡ ối thường xảy ra vào lúc kết thúc giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ. Theo Today’s Parent chỉ có khoảng 15% các trường hợp vỡ ối xảy ra trước thời điểm chuyển dạ. Khi ối vỡ chuyển dạ có thể sắp xảy ra, do đó đây là thời gian để liên hệ với các chuyên gia y tế.

Bệnh lý

Một số tình trạng bệnh lý có thể xảy ra khi có ít hoặc nhiều nước ối hơn bình thường

Thiểu ối: Khi lượng nước ối quá ít

Đa ối: còn được gọi là bệnh lý nước ối, khi có quá nhiều nước ối.

Thiểu ối

Lượng nước ối ít, hay còn được gọi là thiểu ối, xảy ra ở khoảng 4% các thai kỳ nói chung và 12% ở các thai kỳ già tháng.

Thiểu ối được chẩn đoán khi chỉ số dịch ối (AFI) trên siêu âm đo được nhỏ hơn 5cm (chỉ số bình thường là 5-25cm) và độ sâu khoang ối lớn nhất (MVP) nhỏ hơn 2cm.

Đây có thể là bằng chứng của rỉ ối qua chỗ rách của màng ối, với lượng ối đo được ít hơn mức bình thường trong một giai đoạn nhất định của thai kỳ hoặc khi thai nhi không cử động nhiều như mong đợi. Nó có thể xảy ra khi mẹ có một trong các tiền sử bệnh lý dưới đây như:

  • Thai kỳ trước có chậm tăng trưởng
  • Tăng huyết áp mạn tính
  • Các bất thường của nhau, như nhau bong non
  • Tiền sản giật
  • Đái tháo đường
  • Lupus
  • Đa thai, ví dụ như song thai hoặc tam thai
  • Dị tật lúc sinh, như các bất thường ở thận
  • Thai già tháng
  • Các nguyên nhân không rõ, hay còn gọi là vô căn

Thiểu ối có thể xảy ra ở bất kỳ tam cá nguyệt nào nhưng thường được xem là bất thường nếu xảy ra trong 6 tháng đầu thai kỳ. Có một tỉ lệ nguy cơ cao của các dị tật lúc sinh, sẩy thai, sinh non và tử vong chu sinh khi thiểu ối xảy ra trong khoảng thời gian này.

Nếu lượng nước ối quá ít trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối), các bất thường có nguy cơ xảy ra bao gồm:

  • Thai chậm tăng trưởng
  • Biến chứng lúc chuyển dạ
  • Cần thực hiện sanh mổ

Các thời điểm còn lại trong thai kỳ sẽ được theo dõi sát để để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai. Bác sĩ thường sẽ thực hiện các test sau:

  • Nonstress tests (NST): Kiểm tra nhịp tim của thai nhi lúc nghỉ và khi cử động.
  • Trắc đồ sinh vật lý (Biophysical profiling – BPP): thực hiện siêu âm để đánh giá các cử động của thai, trương lực cơ, hoạt động thở và thể tích nước ối. Xét nghiệm này có thể được thực hiện cùng với nonstress test.
  • Đếm cử động thai: Tính khoảng thời gian để thai nhi thực hiện được một số lượng cử động nhất định.
  • Siêu âm doppler: Sử dụng sóng âm để kiểm tra dòng máu chảy ở thai nhi.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể quyết định khi nào cần chấm dứt thai kỳ, để bảo vệ mẹ và thai nhi. Truyền dịch vào buồng tử cung (bơm nước muối vào lòng tử cung) giúp tăng thể tích nước ối, và thai phụ cần nghỉ ngơi tại giường.

Chèn ép dây rốn làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng lúc chuyển dạ. Truyền dịch vào buồng tử cung có thể cần được thực hiện lúc chuyển dạ. Sinh mổ cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp.

Đa ối

Khi có quá nhiều nước ối thì được gọi là tình trạng đa ối. Theo hiệp hội sản khoa Mỹ, đa ối xảy ra ở 1% ở tất cả các thai kỳ. Đa ối được xác định khi AFI lớn hơn 24cm và MVP đo được hơn 8cm.

Các bệnh lý ở thai có thể gây ra đa ối bao gồm:

  • Bệnh lý của dạ dày ruột, bao gồm teo thực quản hoặc tá tràng, thoát vị ruột qua thành bụng và thoát vị hoành
  • Các bệnh lý của hệ não và thần kinh như tật não phẳng, loạn dưỡng trương lực cơ
  • Loạn sản sụn xương, một bệnh lý bất thường phát triển hệ xương
  • Các vấn đề về nhịp tim thai
  • Nhiễm trùng
  • Hội chứng Beckwith-Wiedemann, một bất thường phát triển bẩm sinh
  • Bất thường phổi thai
  • Phù thai, là sự tích tụ nước bất thường trong nhiều bộ phận cơ thể thai nhi
  • Hội chứng truyền máu song thai, khi có một thai lấy nhiều máu hơn thai còn lại
  • Bất tương hợp máu mẹ con, ví dụ ở bất tương hợp nhóm máu Rh hoặc bệnh Kell
  • Kiểm soát kém bệnh đái tháo đường ở mẹ cũng làm tăng nguy cơ đa ối
  • Quá nhiều dịch có thể do tình trạng đa thai

Các triệu chứng ở mẹ bao gồm đau bụng khó thở do tử cung dãn lớn.

Các biến chứng khác bao gồm

  • Sinh non
  • Ối vỡ non
  • Nhau bong non
  • Thai lưu
  • Băng huyết sau sanh
  • Tư thế thai nhi bất thường
  • Chèn ép dây rốn

Tầm soát đái tháo đường ở mẹ được khuyến cáo, và siêu âm định kỳ nên được thực hiện để theo dõi lượng nước ối trong tử cung

Các trường hợp đa ối nhẹ có thể tự giới hạn mà không cần điều trị

Trong những trường hợp nặng, có thể làm giảm lượng nước ối bằng cách chọc hút hoặc dùng thuốc như indomethacin. Thuốc này giúp làm giảm lượng nước tiểu được bài tiết bởi thai nhi.

Rò rỉ nước ối

Đôi khi, nước ối bị rỉ ra trước khi vỡ ối. Theo hiệp hội sản khoa Hoa Kỳ, cứ 10 phụ nữ thì chỉ có 1 người sẽ ra nước ối đột ngột khi vỡ ối. Phần lớn các trường hợp nước ối sẽ chảy rỉ rả từ từ.

Đôi khi, dịch chảy ra trông giống nước ối thực chất lại là nước tiểu, bởi vì tử cung đang chèn ép vào bàng quang.

Nếu dịch rỉ ra không màu và không mùi, nó có thể là dịch ối. Lúc này bạn nên liên hệ ngay với chuyên viên y tế bởi vì chuyển dạ có khả năng sắp xảy ra.

Nếu dịch rỉ ra màu xanh, xanh nâu hoặc có mùi hôi, có khả năng có sự hiện diện của phân su trong nước ối hoặc nhiễm trùng ối. Bạn nên đến gặp bác sĩ để điều trị.

Ối vỡ non

Rỉ dịch ối hoặc vỡ ối xảy ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ được gọi là ối vỡ non (PROM). Các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với mẹ và thai nhi tùy thuộc vào thời điểm ối vỡ non xảy ra. Cứ khoảng 100 thai kỳ sẽ có 2 trường hợp bị ối vỡ non.

Thông thường, ối vỡ non gặp ở thai non tháng nhưng đôi khi tình trạng này có thể gặp ở thai đủ tháng. Đó là khi vỡ ối xuất hiện tại thời điểm 37 tuần hoặc trễ hơn nhưng chuyển dạ chưa bắt đầu tự nhiên trong vòng 6 giờ kể từ khi ối vỡ.

Bạn cần tìm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt và tránh quan hệ tình dục hoặc đưa bất kỳ vật gì vào âm đạo, bởi vì những điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề rỉ ối hoặc lượng nước ối trong thai kỳ nên trao đổi với chuyên viên y tế của mình.


Giới thiệu kết nối cộng đồng Y KHOA LD

fanpage facebook: Dụng cụ y khoa LD

Youtube: Y khoa LD

Trả lời