Ngộ độc cá nóc có thể gây chết người

Cá nóc được xem là một món ngon của nền ẩm thực châu Á, đầu bếp chế biến cá nóc phải có kỹ thuật và được đào tạo đặc biệt. Nếu không, món ăn vẫn có thể chứa một lượng lớn chất độc khiến thực khách ăn vào bị ngộ độc.

ngộ độc cá nóc

Nguyên nhân ngộ độc cá nóc 

ngộ độc cá nóc

Trên thế giới đã xác định hơn 80 loài cá nóc, riêng tại Việt Nam có 4 họ, 12 giống và 66 loài, trong đó có khoảng 40 loài có khả năng gây độc tố. Phần lớn những loài thường gây độc tố thuộc họ Tetraodontidae.

Phân tích độc tố trên 35 loài cá nóc thì có 14 loài chưa phát hiện thấy độc và 21 loài chứa độc với mức độ khác nhau. Trong 21 loài có độc thì 10 loài có độc tính mạnh, 7 loài có độc tính trung bình và 4 loài có độc tính nhẹ.

Chất độc trong cá nóc được gọi là tetrodotoxin, không bị phá hủy ở nhiệt độ sôi hay làm khô, chất độc bị bất hoạt trong môi trường acid và kiềm mạnh. Tetrodotoxin tập trung ở trứng cá, ruột gan và tinh hoàn của cá. Chất này rất độc với thần kinh, hậu quả chính là gây liệt cơ và suy hô hấp, dễ tử vong.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc cá nóc tại Việt Nam là do thiếu nhận biết về loại cá, không thao tác làm sạch, chế biến đúng cách.

Những dấu hiệu của ngộ độc cá nóc 

Các triệu chứng ngộ độc cá nóc thường xảy ra 10-45 phút sau khi ăn cá nóc còn độc tố. Người ăn ban đầu sẽ có cảm giác tê và ngứa ran quanh miệng, tăng tiết nước bọt (chảy nước dãi), buồn nôn và nôn. Ngoài ra còn có thể có các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Mất phản xạ
  • Hạ huyết áp nghiêm trọng (với liều độc tố cao)

Các triệu chứng khi ngộ độc cá nóc có thể tiến triển nặng hơn trong vòng 4-6 giờ dẫn đến đến tê liệt, mất ý thức và suy hô hấp. Tình huống nặng nhất là gây tử vong.

Tác dụng độc của tetrodotoxin trên lâm sàng được chia theo các mức độ ảnh hưởng về thần kinh và tim mạch như sau:

  • Độ 1: Tê bì và dị cảm quanh miệng, có thể có hoặc không các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy.
  • Độ 2: Tê bì ở lưỡi, mặt, đầu chi và các vùng khác của cơ thể, liệt vận động và thất điều, nói ngọng, đau đầu vã mồ hôi, các phản xạ vẫn bình thường.
  • Độ 3: Co giật, liệt mềm toàn thân, suy hô hấp, nói không thành tiếng, đồng tử giãn tối đa mất phản xạ ánh sáng, có thể vẫn còn tỉnh.
  • Độ 4: Liệt cơ hô hấp nặng, ngừng thở, hạ huyết áp, nhịp tim chậm hay loạn nhịp, hôn mê.

Khi nghi ngờ ngộ độc cá nóc cần phải làm gì?

Ngay khi thấy dấu hiệu ngộ độc cá nóc đầu tiên như tê lưỡi, tê môi, tê ngón tay nhưng người bệnh vẫn còn tỉnh táo, hãy tìm mọi cách gây nôn cho người bệnh. Đơn giản nhất là hình thức móc họng, ngoáy họng bằng lông gà hoặc cho uống mùn thớt theo kinh nghiệm dân gian. Khi gây nôn cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, đầu thấp để tránh sặc.

Cho bệnh nhân uống than hoạt khi bệnh nhân còn tỉnh, chưa hôn mê. Người lớn uống 30g than hoạt pha với 250ml nước sạch quấy đều. Trẻ nhỏ từ 1 – 12 tuổi cho uống 25g pha với 100 – 200ml nước sạch quấy đều. Trẻ nhỏ dưới một năm cho uống theo liều lượng 1g than hoạt/1kg cân nặng cơ thể pha với 50ml nước sạch quấy đều. Than hoạt có tác dụng hấp thụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa. Nếu cho bệnh nhân uống sớm trong vòng một giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả cao.

Trường hợp người bệnh đã rối loạn ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở phải khẩn trương thổi ngạt đường miệng – miệng hay miệng – mũi.

Sau khi đã sơ cứu, cần nhanh chóng tìm cách đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa ngộ độc cá nóc

Biện pháp tốt nhất để ngừa ngộ độc cá nóc là:

  • Không ăn các loại hải sản chứa tetrodotoxin như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh… cũng như không tự ý chế biến và lưu trữ các sản phẩm từ các loại hải sản chứa tetrodotoxin.
  • Ngư dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá.
  • Khi làm khô cá, nên kiểm tra kỹ lưỡng và loại bỏ cá nóc lẫn vào cá thường trước khi phơi khô.
  • Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm các nóc khác để bán.

Giới thiệu kết nối cộng đồng Y KHOA LD

fanpage facebook: Dụng cụ y khoa LD

Youtube: Y khoa LD

Trả lời