Tại sao có tiếng ngáy khi ngủ?
Ngáy khi ngủ thường được cho rằng chỉ gây phiền toái đôi chút cho người xung quanh chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bản thân họ. Tuy nhiên đây lại là 1 quan điểm sai lầm vì nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc ngủ ngáy có mối tương quan chặt chẽ với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: đột quỵ, các bệnh tim mạch, tình trạng thừa cân, béo phì, đau đầu, thiếu ngủ, giảm ham muốn tình dục ….
- Người ngáy khi ngủ thường dễ bị ngưng thở một thời gian khá lâu, do mô mềm và niêm mạc của cuống họng thường lỏng lẻo có thể làm che lấp khí quản, hai lá phổi không thực hiện được chức năng trao đổi khí, gây thiếu oxy toàn thân. Não là cơ quan nhạy cảm nhất với tình trạng thiếu oxy, sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở vùng hầu họng và khí quản, làm cho quá trình hô hấp trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu những rối loạn diễn ra liên tục trong thời gian dài sẽ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
- Trạng thái thiếu oxy gây ra bởi tình trạng ngưng thở khi ngủ sẽ khiến người bệnh ngủ không ngon giấc, giấc ngủ không sâu, thời kỳ ngủ say bị ngắt quãng. Hậu quả là bộ não không nghỉ ngơi đầy đủ sau một ngày hoạt động, khiến cho người bệnh trở nên mệt mỏi, giảm khả năng tập trung.
Ngáy khi ngủ là một hiện tượng phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng chủ yếu hay gặp ở nam giới, nhất là những người có tình trạng thừa cân hay béo phì.
Nguyên nhân bệnh ngáy khi ngủ
Mọi trở ngại cho sự lưu thông bình thường của không khí giữa thanh quản và vùng mũi họng đều là nguyên nhân ngáy khi ngủ. Nó là hậu quả của 1 hay sự kết hợp của nhiều yếu tố sau:
- Tắc nghẽn đường hô hấp mũi: Do dị ứng hoặc viêm xoang. Một số người chỉ ngáy trong mùa dị ứng hoặc khi bị nhiễm trùng xoang. Các dị tật mũi như vách ngăn lệch hoặc polyp mũi cũng có thể gây ra tắc nghẽn đường thở, khiến ngủ ngáy xuất hiện;
- Giảm trương lực cơ trong cổ họng và lưỡi: do các mô liên kết nâng đỡ vùng này bị giãn quá mức, trở nên lỏng lẻo, không giữ được lưỡi ở vị trí ban đầu mà khiến lưỡi bị tụt lại phía sau và che lấp đường thở. Nguyên nhân tình trạng này có thể do giấc ngủ quá sâu, say rượu hoặc do sử dụng một số loại thuốc ngủ gây ra. Sự lão hóa cũng khiến các cơ vùng này nới lỏng khi ngủ. Điều này lý giải cho sự gia tăng tỷ lệ người ngủ ngáy theo tuổi
- Mô họng quá lớn: người thừa cân, béo phì có thể bị tích lũy mô mỡ ở vùng hầu họng, khiến cho mô họng quá lớn, làm hẹp khoảng không giữa vùng hầu họng và thanh quản và gây ra tiếng ngáy. Ngoài ra, trẻ em bị viêm amidan và vòm họng lớn cũng thường bị ngáy;
- Vòm miệng và/hoặc lưỡi gà dài (mô treo ở phía sau miệng): có thể làm thu hẹp khoảng trống từ mũi đến cổ họng. Các cấu trúc giải phẫu này rung lên và va chạm với nhau khiến đường thở bị tắc và gây ra tiếng ngáy;
- Uống rượu: Rượu làm ức chế và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương, làm giãn các cơ vùng cổ. Khi tất cả mô và cơ xung quanh cổ họng giãn ra, đường hô hấp dễ đóng lại hơn, dẫn đến ngủ ngáy.
- Mất ngủ: ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến giãn cổ họng;
- Vị trí ngủ: ngáy thường gặp nhất khi nằm ngửa do cổ họng làm hẹp đường thở; đặc biệt là khi nằm ngủ gối đầu cao gây gập cổ.
- Ngưng thở khi ngủ: ngáy cũng có thể liên quan với tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ. Trong trường hợp nghiêm trọng này, các mô họng ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn đường thở, gây ngáy.
- Một số dị tật bẩm sinh như cổ họng hẹp, cuống lưỡi to, cuống họng dài
- Hút thuốc lá nhiều khiến người hút thuốc thường dễ bị viêm họng hơn, và khiến mô dễ bị rung hơn, đường hô hấp dễ bị đóng lại vào ban đêm. Do đó nên tránh hút thuốc trước khi đi ngủ, cũng như bỏ thuốc lá.
Triệu chứng bệnh ngáy khi ngủ
Triệu chứng ngáy khi ngủ có thể chia làm 3 cấp độ:
- Cấp độ 1: ngáy ít, tiếng ngáy không to và khi nằm nghiêng sẽ ngừng ngáy.
- Cấp độ 2: ngáy vừa phải, ngáy to hơn và khi nằm ngủ ở tư thế nghiêng sẽ hết ngáy.
- Cấp độ 3: ngáy rất to ở mọi tư thế nằm ngủ và kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người ngáy tỉnh giấc với trạng thái mệt mỏi. Mức độ này có thể nguy hiểm tới bệnh nhân.
Phòng ngừa bệnh ngáy khi ngủ
Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp bạn kiểm soát, hạn chế được ngáy khi ngủ
- Giảm cân: những người thừa cân sẽ có các mô phụ trong họng dẫn đến ngáy khi ngủ. Vì vậy, giảm cân có thể giúp giảm ngáy. Giảm được 10% trọng lượng cơ thể bạn sẽ thấy tình hình được cải thiện nhang chóng.
- Khi ngủ, nên nằm ngủ nghiêng và giữ cho đầu cao để dễ thở hơn. Ngáy khi ngủ là phổ biến nhất khi người ta nằm ngửa vì khi đó gốc của lưỡi trượt về phía sau làm hẹp đường thở và cản trở một phần không khí. Nên nằm gối cao hơn bình thường (khoảng 10cm) để giúp cho luồng khí trong cổ họng đi thẳng theo luồng khí.
- Sử dụng đồ dùng để nới rộng mũi bên ngoài: dải keo dính dùng cho sống mũi giúp tăng diện tích mũi, tăng cường hô hấp. Một đồ dùng khác để nới rộng mũi là dải keo làm cứng bên ngoài có thể giúp làm giảm kháng lực không khí, do đó bạn thở dễ dàng hơn. Những thiết bị này không có hiệu quả cho những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
- Trị viêm xoang hay tắc nghẽn mũi: dị ứng hoặc vách ngăn lệch có thể hạn chế không khí qua mũi, điều này buộc bạn phải thở bằng miệng, làm tăng khả năng bị ngáy khi ngủ;
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu và thuốc an thần: tránh uống đồ có cồn ít nhất 4 tiếng trước khi đi ngủ và cho bác sĩ biết về chứng ngáy trước khi dùng thuốc an thần. Các thuốc này và rượu làm ức chế hệ thần kinh trung ương, khiến các cơ giãn quá mức , bao gồm các mô trong cổ họng;
- Tránh ăn nhiều vào bữa tối. Không nên ăn những loại thực phẩm được chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ.
- Bỏ hút thuốc lá: có thể làm giảm chứng ngáy cùng với nhiều lợi ích sức khỏe khác;
- Tập thể dục thường xuyên, vừa để giảm cân nặng vừa tăng oxy cho não.
- Ngủ đủ giấc, tập thói quen đi ngủ theo giờ giấc đều đặn:
- Những người hay bị làm rối giấc ngủ hoặc thiếu ngủ rất dễ ngáy. Nếu bạn tập được thói quen đi ngủ theo giờ giấc đều đặn thì cơ thể sẽ không lâm vào tình trạng quá mệt mỏi và giúp khỏi ngáy khi ngủ.
- Tắm trước khi đi ngủ: sẽ giúp bạn thông mũi và dễ thở hơn, nhờ đó hạn chế tiếng “kéo gỗ” suốt đêm.
- Tăng độ ẩm cho phòng ngủ: Bởi lẽ độ ẩm trong phòng ngủ thấp sẽ khiến cho cổ họng bị khô, và dễ gây nên hiện tượng ngủ ngáy.
fanpage facebook: Dụng cụ y khoa LD
Youtube: Y khoa LD