Hẹp bao quy đầu chiếm tỷ lệ cao trong số các trường hợp đến tư vấn thầy thuốc và thường là mối bận tâm cho các bậc cha mẹ. 80% trường hợp hẹp có thể tự khỏi khi lớn lên và không cần xử trí trước sáu tuổi. Những trường hợp này được coi là bình thường hay còn gọi là hẹp sinh lý. Ở tuổi lớn hơn, nếu bao quy đầu vẫn còn hẹp, tức là hẹp thực sự hay hẹp bệnh lý thì mới phải xử trí.
GIẢI PHẪU VÀ CHỨC NĂNG
Với mặt ngoài là da và mặt trong là niêm mạc, bao quanh và che chở cho quy đầu, tức là phần đầu của dương vật. Niêm mạc quy đầu có những tuyến tiết ra chất nhờn mà khi tích tụ sẽ tạo ra một lớp bựa sinh dục màu trắng nằm giữa quy đầu và da quy đầu.
Bao quy đầu nhạy với kích thích tình dục và cần thiết cho hoạt động tình dục bình thường. Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta có tục lệ cắt bỏ da quy đầu cho trẻ từ lúc mới sinh hay khi đứa bé bắt đầu tuổi dậy thì vì nhiều lý do, kể cả lý do tôn giáo.
Thật ra, mọi bộ phận của cơ thể trẻ em đều cần thiết, giúp chúng khi trẻ phát triển, trưởng thành, hiểu biết và trải nghiệm về thế giới xung quanh. Giống như mí mắt bảo vệ cho mắt, bao quy đầu che chở quy đầu và giữ cho nó được mềm mại, ấm, ẩm và nhạy cảm.
Dương vật cũng là nơi mà các vi khuẩn bên ngoài có thể xâm nhập vào cơ thể, nhất là khi giao hợp. Chức năng miễn dịch nhờ các tuyến của niêm mạc da quy đầu và chức năng tự làm sạch của dương vật sẽ bảo vệ cho cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Mỗi khi đi tiểu, dòng nước tiểu có thể loại bỏ các vi khuẩn bám bên trong, càng hiệu quả khi bao quy đầu dài và có khe hẹp. Các vi khuẩn ở mặt trong bao quy đầu thường lành tính giống như vi khuẩn thường thấy ở miệng, mũi, cơ quan sinh dục nữ và ngoài da. Nếu không có các vi khuẩn lành này, các vi khuẩn gây bệnh có thể dễ dàng xâm nhập theo đường niệu đạo vào cơ thể.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG
Ở trẻ nhỏ, bao quy đầu thường bám chắc vào quy đầu và hiếm thấy trường hợp bao quy đầu có thể tuột ra sau. “Bao quy đầu không tuột được ra sau” có thể được coi là bình thường ở nam giới, kể cả ở tuổi trưởng thành. Đến tuổi dậy thì, dương vật phát triển nhanh, to và dài ra, quy đầu sẽ tự tuột ra khỏi bao quy đầu. Khoảng 95% trường hợp trẻ 16 – 17 tuổi, có thể kéo tuột hoàn toàn ra sau.
THẾ NÀO LÀ HẸP BAO QUY ĐẦU?
Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu không thể tuột lên hoàn toàn khỏi bao quy đầu. Tuy nhiên, hiện nay hẹp bao quy đầu thường được chẩn đoán một cách dễ dãi, do không phân biệt được bao quy đầu không tuột của quá trình phát triển sinh lý bình thường (hẹp bao quy đầu sinh lý) và hẹp bao quy đầu bệnh lý thường xảy ra do các bệnh như: bệnh sừng hóa gây xơ teo bao quy đầu, viêm quy đầu bạch sản xơ hóa, sẹo do dùng sức để tuột bao quy đầu lên trước đó… Thỉnh thoảng có một số trường hợp bị hẹp nghẹt bao quy đầu.
Khi đó bao quy đầu tuột được lên trên quy đầu một cách khó khăn và rồi bị nghẹt ở đấy mà không đưa về lại vị trí bình thường được, tạo thành một vòng thắt xiết chặt lấy quy đầu. Quy đầu sưng nề và rất đau. Trường hợp này, cần xử trí ngay nếu không sẽ gây ra hoại thư hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.
TỤC LỆ CẮT DA QUY ĐẦU
Nghiên cứu xác ướp Ai Cập cách đây khoảng 2.300 năm ghi nhận thời ấy đã có cắt da quy đầu. Những hình vẽ trên tường của người Ai Cập cổ đại cũng cho thấy cắt da quy đầu đã được thực hiện trước đó hàng ngàn năm. Học giả Elliot Smith cho rằng cắt da quy đầu là một hình thức đặc biệt liên quan đến tập tục thờ thần mặt trời của văn hóa cổ đại.
Vào thế kỷ 15, khi khám phá ra Châu Mỹ, Columbus cũng ghi nhận nhiều thổ dân ở đây đã được cắt da quy đầu. Tại Do Thái, trẻ em nam được cắt da quy đầu vào ngày thứ 8 sau sinh. Các nước Hồi giáo và một số bộ lạc Châu Phi cắt da quy đầu vào ngày lễ trưởng thành, khi trẻ bước sang tuổi dậy thì.
Tại nước Zimbabwe, năm 2010 chính phủ mở một chiến dịch cắt bao quy đầu cho 80% thanh niên (khoảng 3 triệu người) với hy vọng làm giảm 60% nguy cơ lây nhiễm HIV; và mới đây, 170 đại biểu quốc hội nước này tuyên bố sẽ đi cắt để làm gương cho công chúng và bảo vệ cho chính mình khỏi mắc HIV. Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại không ủng hộ và cho rằng ý tưởng này là điên rồ và kỳ quặc.
HẬU QUẢ CỦA HẸP BAO QUY ĐẦU
Hẹp bao quy đầu làm nước tiểu ứ đọng, vệ sinh khó khăn, dễ gây viêm nhiễm quy đầu, đường tiết niệu, ảnh hưởng đến thận. Hẹp bao quy đầu có thể dẫn đến ung thư dương vật về sau. Ngoài ra, khi trưởng thành, hẹp bao quy đầu có thể làm đau dương vật khi cương, cản trở quá trình cương.
KHI NÀO NÊN CẮT DA QUY ĐẦU?
Ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi – 10 tuổi rưỡi, hẹp da quy đầu thường là sinh lý và chỉ cần điều trị khi gây cản trở đường tiểu hoặc thường xuyên bị viêm bao quy đầu, nhiễm trùng tiểu… Khoảng 50% trẻ 1 tuổi, 90% trẻ em 3 tuổi và 99% trẻ 17 tuổi có thể tuột dễ dàng, bình thường.
Không nên cố gắng tuột bao quy đầu sớm để tránh tình trạng đau, chảy máu hoặc có thể làm dính quy đầu với da quy đầu và tạo sẹo ở da quy đầu, gây hẹp da quy đầu thứ phát.
ĐIỀU TRỊ HẸP BAO QUY ĐẦU
Ở trẻ lớn hoặc người lớn, hẹp bao quy đầu cần phân biệt với tình trạng dây thắng ngắn (dù hai tình trạng này thường đi kèm nhau). Hẹp bao quy đầu có thể được điều trị bằng những phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật như sau:
- Dùng kem thoa steroid (0,1% betamethasone), thoa trong 4 – 6 tuần. Phương pháp này dễ sử dụng, giá thành rẻ, ít rủi ro, hiệu quả cao so với phẫu thuật.
- Nong bằng tay, bằng bong bóng hoặc dụng cụ khác. Ban đầu, bác sĩ thực hiện nhưng sau đó người nhà có thể tự làm. Phương pháp này có ưu điểm là nhẹ nhàng, không gây sang chấn nhưng nếu nong không đúng cách có thể làm chảy máu và gây xơ dính về sau. Nếu bôi thuốc không hiệu quả hoặc thường xuyên bị viêm, nhiễm trùng tiểu thì nên cắt da quy đầu.
- Tạo hình bao quy đầu.
- Cắt da quy đầu là phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ bao quy đầu ra khỏi dương vật.
CẮT BAO QUY ĐẦU ĐƯỢC THỰC HIỆN TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?
Hiện nay, cắt bao quy đầu chỉ nên thực hiện trong các trường hợp: hẹp nghẹt, viêm quy đầu hoặc viêm bao quy đầu tái phát nhiều lần. Cắt da quy đầu có thể giúp ngăn ngừa ung thư dương vật, nhiễm trùng tiết niệu, những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
Nguy cơ nhiễm HIV ở nguời không cắt da quy đầu cao hơn 2 – 8 lần so với những người đã cắt bao quy đầu. Cắt da quy đầu làm giảm nguy cơ bị viêm quy đầu và không ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cắt da quy đầu là một phần của chương trình toàn diện nhằm đề phòng lây nhiễm HIV ở nam giới tại các địa phương có tỷ lệ HIV cao.
Cắt da quy đầu ở trẻ sơ sinh có thể phần nào bảo vệ trẻ khỏi bị ung thư dương vật về sau, song cắt muộn hơn thì không có ý nghĩa (Hội Nhi khoa Hoa Kỳ, 1999). Những chỉ định khác bao gồm tín ngưỡng, tôn giáo, cá nhân.
TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN CẮT DA QUY ĐẦU
Không nên cắt da quy đầu trong những trường hợp sau đây: lỗ tiểu đóng thấp, các dị dạng dương vật như cong dương vật, vùi dương vật, dương vật nhỏ vì phải cần da quy đầu để sửa lại những dị dạng này.
Tham khảo thêm kiến thức Y khoa tại đây
Nguồn BV Đại học Y Dược
Giới thiệu kết nối cộng đồng
fanpage facebook: Dụng cụ y khoa 36
Youtube: Y khoa LD