Đái tháo đường thai kỳ

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai ở khoảng tuần thứ 24. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng sử dụng đường (glucose) của các tế bào trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra lượng đường cao trong máu, điều này không tốt cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Lượng đường máu sẽ trở lại bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu đã bị bệnh tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Vì vậy, bạn cần phải tiếp tục điều trị với bác sĩ để theo dõi và quản lí lượng đường trong máu. Nếu đang mắc tiểu đường tuýp 1 hoặc 2 nhưng muốn có con, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mang bầu. Nếu bạn không điều trị hay kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ gây nguy hại đến thai nhi.

đái tháo đường thai kỳ
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Bệnh đái tháo đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào đối với mẹ và bé

Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới vào năm 2015, tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số thai phụ.Không giống như bệnh lý đái tháo đường thông thường có nguyên nhân từ việc tuyến tụy không sản xuất hay sản xuất không đủ insulin, đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý thai kỳ thoáng qua, xảy ra do những hóc môn kích thích mà bánh nhau tạo ra trong giai đoạn mang thai.

Những hóc môn này chính là tín hiệu kích thích để chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ được truyền sang thai nhi, cũng như khiến thai phụ thèm ăn thực phẩm chứa nhiều đường.

Rất nhiều phụ nữ có lối sống lành mạnh, chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý trước khi mang thai, nhưng khi bước vào thai kỳ, họ lại muốn ăn nhiều đồ ngọt hoặc các thực phẩm được cho là không có lợi cho sức khỏe.

Nếu thai phụ không kiểm soát được sự thèm ngọt của bản thân trong giai đoạn này, cũng như không nhận được sự tư vấn, hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng thai kỳ phù hợp từ các bác sĩ thì nguy cơ thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ là rất cao.

Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi, thậm chí những hậu quả này sẽ tồn tại lâu dài ngay cả sau khi em bé chào đời…

Đái tháo đường thai kỳ khiến thai phụ đối mặt với những nguy cơ như đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê.

Tuy nhiên, nếu bệnh đái tháo đường thai kỳ được kiểm soát và giám sát bởi người bệnh và bác sĩ thì rủi ro sẽ được giảm rất nhiều. Mục đích chính trong việc điều trị bệnh đái tháo đường là giảm lượng đường huyết trong máu đến mức bình thường và sản sinh lượng insulin phù hợp so với nhu cầu cần thiết của từng cá thể. Phải mất thời gian để ước lượng cân bằng lượng insulin cần thiết trong ngày.

Phụ nữ mang thai bị bệnh đái tháo đường thai kỳ cần được giám sát suốt quá trình mang thai và sinh đẻ.

Đái tháo đường thai kỳ được phát hiện khi nào

Vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, quá trình và hoạt động liên quan đến việc sản sinh insulin đều bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố sinh sản. Đây là nguyên nhân tại sao việc kiểm tra sàng lọc bệnh đái tháo đường thai kỳ được yêu cầu theo định kỳ đối với phụ nữ mang thai dù họ có tiền sử bệnh hay không. Thời điểm xuất hiện bệnh thông thường từ tuần mang thai thứ 24-28, mặc dù vẫn có thể có những triệu chứng vài tuần trước hoặc sau giai đoạn này.

Triệu chứng của đái tháo đường thai kỳ

Thai phụ có thể không biết bị đái tháo đường cho đến khi kiểm tra nước tiểu và lượng đường. Nhiều trường hợp có những triệu chứng tương tự như sau khi bị bệnh đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2: thường xuyên khát nước; thức giấc giữa đêm để uống nước thật nhiều; đi tiểu nhiều và có nhu cầu nhiều lần hơn so với nhu cầu của các phụ nữ mang thai bình thường khác; vùng kín bị nhiễm nấm và không thể làm vệ sinh sạch sẽ bằng các dung dịch chống khuẩn thông thường; các vết thương, trầy xước hoặc vết đau khó lành; sụt cân nặng và mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Có rất nhiều các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, chẳng hạn như nếu bạn:Trên 25 tuổi;

Có người thân mắc bệnh tiểu đường;

Thừa cân với chỉ số BMI từ 30 trở lên;

Mắc hội chứng buồng trứng đa nang;

Mắc một số tình trạng bệnh lý như không dung nạp được glucose;

Dùng một số loại thuốc như glucocorticoi (đối với bệnh hen xuyễn), thuốc chẹn beta (cao huyết áp hoặc tăng nhịp tim) hoặc các loại thuốc chống loạn thần kinh (các bệnh về tâm thần);

Từng mắc tiểu đường thai kỳ;

Từng sinh bé có cân nặng lớn.

Các biến chứng có thể gặp do đái tháo đường thai kỳ

Trước khi sử dụng liệu pháp insulin, các biến chứng của bệnh đái tháo đường cho cả mẹ và thai nhi rất cao. Mặc dù hiện nay việc điều trị bằng insulin đã giảm nguy cơ biến chứng, ở phụ nữ mang thai bị đái tháo đường vẫn còn liên kết với một số nguy cơ gia tăng của các yếu tố bất lợi như: tiền sản giật, bệnh đái tháo đường ketoacidosis, bệnh thận nặng lên, bệnh võng mạc nặng lên, đa ối, nguy cơ phải mổ lấy thai, xuất huyết sau sinh, nguy cơ tử vong.

Bà mẹ mang thai bị đái tháo đường cũng có thể gây biến chứng cho thai: sẩy thai; thai chết lưu không rõ nguyên nhân; tử vong chu sinh vào khoảng 2-5% (thấp hơn đáng kể khoảng 65% trước khi điều trị bằng insulin); dị tật bẩm sinh, có thể chiếm tới 50% gây ra tử vong chu sinh; bất thường sự tăng trưởng thai nhi trong tử cung; biến chứng ở trẻ sơ sinh, bao gồm hội chứng suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi máu, chứng tăng hồng cầu và tăng bilirubine máu.

Khi người mẹ bị bệnh đái tháo đường trong thời kỳ mang thai có các nguy cơ: gia tăng nguy cơ thai to; gia tăng nguy cơ tiền sản giật; tăng tỷ lệ thai chết lưu, nếu không kiểm soát được đường huyết.

Nếu không kiểm soát, lượng đường thừa trong máu sẽ làm thai nhi phát triển khá to. Do phải tương thích với lượng đường tăng qua nhau thai đến nguồn cung cấp máu, thai nhi sẽ tăng tiết lượng insulin để tiêu thụ lượng đường này và dự trữ năng lượng dưới lớp mỡ của thai nhi.

Con của các bà mẹ bị bệnh đái tháo đường có thể nặng 4kg hoặc hơn nữa khi sinh. Vì vậy khi bé mới sinh mà có cân quá nặng, bác sĩ sẽ nghi ngờ người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ ngay cả khi đã được chẩn đoán là không có bệnh trước khi sinh.

Em bé sau khi sinh cần được theo dõi đường huyết. Thông thường, khi được “cho ăn” thì lượng đường huyết tự cân đối và bé không bị ảnh hưởng xấu. Mối lo ngại lớn nhất là trong 4-6 tiếng đồng đồ sau khi sinh là bé dễ bị chứng hypoglycaemia (hiện tượng giảm đường huyết). Do đó, bé cần phải thường xuyên được xét nghiệm sau khi sinh cho đến khi lượng đường huyết (BSL) được ổn định và tiếp tục đều đặn trong suốt 24 tiếng đầu tiên.

Để phát hiện sớm, có biện pháp điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ và phòng ngừa các biến chứng do đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần đi khám thai định kỳ, mỗi lần khám nên làm các xét nghiệm máu và nước tiểu. Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu khác lạ, thai phụ nên đi khám ngay để được phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

Dinh dưỡng đái tháo đường thai kỳ và chế độ tập luyện

đái tháo đường thai kỳ

Các thai phụ đái tháo đường thai kỳ cần được quản lý tốt chế độ ăn vì đây là mục tiêu ban đầu trong việc quản lý đường huyết mục tiêu. Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng là không nhịn ăn, không bở bữa và chia nhỏ bữa ăn. Ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ trong ngày, chọn thức ăn giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa, tránh ăn ngọt.

Đĩa thức ăn của thai phụ nên chia làm 2 phần, sau đó phần bên trái tiếp tục chia đôi để xử dụng các thành phần tương ứng: ½ là rau củ, trái cây, ¼ là tinh bột gồm cơm, cháo, hủ tiếu, miến, khoai… 1/4 là đạm bao gồm cá, thịt ( bỏ da), phô mai ít béo, các loại hạt, đậu hũ…

Bữa phụ có thể là sữa không đường, trái cây, trứng luộc.. Không ăn các loại thực phẩm có nhiều đường hấp thu nhanh như đường mía, sữa đặc có đường, nước ngọt đóng lon, kẹo, mứt. Chất béo nên sùng các loại dầu có nguồn gốc thực vật như đậu nành, dầu phộng, dầu mè, dầu ooliu, hạn chế dùng mỡ heo và các loại thịt có nhiều mỡ và các món lòng, óc, tim, gan.

Các loại cá ít béo như cá thu, cá mòi, cá ngừ, cá trích, cá sapa… Chất xơ giúp chuyển hóa và hấp thu đường chậm hơn, giảm cholesterol và phòng chống táo bón. Mỗi ngày nên ăn khoảng 400g rau củ các loại ( 300g nấu canh và 100g ăn sống).

Chế độ thể dục giúp kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng, giảm stress, tăng cường sức mạnh dẻo dai của cơ bắp, giảm đau lưng, cải thiện tuần hoàn, chống táo bón. Nên tập thể dục ít nhất 5 lần trong tuần, mỗi lần tập khoảng 30 phút vói các môn thể thao dành cho phụ nữ mang thai như đi bộ, bơi lội, bài tập yoga và các bài tập vận động nhẹ cho thai phụ.

Chỉ số đường huyết an toàn cho thai kỳ

Chỉ số đường huyết là nồng độ glucose – một loại đường đơn – có trong máu. Nồng độ glucose trong máu thay đổi liên tục trong ngày, thậm chí khác nhau từng phút. Đường huyết là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá bệnh đái tháo đường.Đường huyết thường được đo bằng milligrams trên deciliter (mg/dL) hoặc millimoles trên liter (mmol/L).

Chỉ số đường huyết được đo ở 3 thời điểm, nếu ở mức dưới đây thì là bình thường:

– Khi đói: <5,1

– Sau ăn 1 tiếng: <10

– Sau ăn 2 tiếng: <8.5

Cần làm gì khi chỉ số đường huyết thai kỳ cao?

Nếu chỉ số đường huyết trong lần xét nghiệm thứ hai cao hơn lần đầu thì đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ. Nếu mẹ bầu có thêm các triệu chứng mệt mỏi, khát nước, sụt cân thì cần gặp bác sỹ để kiểm tra đường huyết.

Lúc này, mẹ cần:- Thực hiện chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa để kiểm soát ổn định đường huyết. Những bà bầu bị tiểu đường cần được theo dõi và chăm sóc chu đáo bởi bác sỹ sản khoa và bác sỹ nội tiết điều trị tiểu đường. Chế độ ăn uống và thuốc men cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ để tránh các rủi ro, tai biến cho cả mẹ và con.

– Bà bầu tiểu đường cần chú ý thận trọng khi tập luyện. Nếu cảm thấy mệt mỏi thì cần phải nghỉ ngơi. Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào cũng cần có sự thảo luận với bác sĩ để lựa chọn hình thức và thời lượng tập luyện thích hợp nhất. Và như các bà mẹ mang thai khác, bà bầu bị tiểu đường nên đi bộ hoặc bơi lội khi có điều kiện.

– Nếu chế độ ăn uống, tập luyện vẫn không kiểm soát tốt mức đường huyết, bà bầu cần được điều trị bằng insulin theo chỉ định của bác sỹ và cần theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị.

Nguồn: http://alobacsi.com

Giới thiệu kết nối cộng đồng Y KHOA LD

fanpage facebook: Dụng cụ y khoa 36

Youtube: Y khoa LD

Trả lời