Đái tháo đường thai kì

Đái tháo đường thai kì

Đa số các trường hợp đái tháo đường thai kì không có bất kì triệu chứng nào. Nếu các triệu chứng xuất hiện, có thể cũng sẽ bị bỏ quên vì nó khá giống với các dấu hiệu điển hình do mang thai gây ra chẳng hạn như:

  • Tiểu thường xuyên;
  • Khát nước nhiều;
  • Mệt mỏi;
  • Ngủ ngáy.

Nếu những triệu chứng này xảy ra thường xuyên hơn mức bình thường, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trong những lần khám thai.

Nguyên nhân của đái tháo đường thai kì

Nguyên nhân chính xác của đái tháo đường thai kì vẫn chưa được biết nhưng có thể là do sự thay đổi nội tiết trong thai kì. Những hormon này giúp cho thai của bạn phát triển, tuy nhiên cũng làm cho Insulin- một loại hormon điều hòa đường huyết- giảm hiệu quả hoạt động.

Nếu cơ thể của bạn không đáp ứng với Insulin, nồng độ đường trong máu của bạn sẽ tăng cao cũng như đường không thể đi vào các tế bào tiêu thụ nó. Lượng đường này sẽ không thể chuyển hóa thành năng lượng để tế bào hoạt động. Đây được gọi là kháng Insulin. Kết quả của vấn đề này là đường trong máu tăng cao, và nếu không được điều trị thì đái tháo đường thai kì sẽ gây hậu quả cho cả mẹ và thai.

Yếu tố nguy cơ

Bất kì phụ nữ nào mang thai cũng đều có nguy cơ đái tháo đường thai kì. Chính vì vậy mà xét nghiệm tầm soát đái tháo đường được chỉ định cho mọi thai kì.

Với tỉ lệ từ 2-10% thai kì gặp phải rối loạn về đường huyết. Một số thai kì có các yếu tố nguy cơ sau được khuyến cáo test đường huyết ngay trong lần đầu tiên khám thai:

  • Béo phì;
  • Trong gia đình có người mắc đái tháo đường;
  • Lần mang thai trước có đái tháo đường;
  • Tăng cân quá nhiều ở độ tuổi dậy thì và giữa các lần mang thai;
  • Tăng cân quá mức trong thai kì;
  • Đa thai;
  • Tiền căn sanh con trên 4kg;
  • Tăng huyết áp;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang;
  • Đang sử dụng Corticoid.

Xét nghiệm tầm soát sẽ như thế nào?

Đái tháo đường thai kì

Có khá nhiều bộ xét nghiệm có thể được sử dụng để tầm soát đái tháo đường thai kì. Bác sĩ đa số sẽ thường sử dụng 1 dạng test, tuy nhiên 1 số trường hợp đặc biệt có thể sử dụng thêm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.

Trong test 75g đường bạn sẽ được lấy máu xét nghiệm trong 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 giờ đồng hồ.

Sau khi lấy máu để đo đường huyết đói (bạn sẽ phải nhịn đói sáng hôm lấy máu cũng như thực hiện theo 1 số hướng dẫn trước khi đi xét nghiệm của nhân viên y tế), bạn sẽ được uống dung dịch chứa 75 gam đường. Sau đó mỗi 1 giờ bạn sẽ được lấy máu để đo lượng đường 1 lần trong 2 giờ tiếp theo.

Kết quả của 3 mẫu máu sẽ được báo về cho bác sĩ khám thai của bạn để được đánh giá và thông báo kết quả cũng như điều trị nếu có bất thường.

 

Các biến chứng của đái tháo đường thai kì không kiểm soát

Điều cực kì quan trọng là đường huyết cần phải được kiểm soát trong thai kì, nếu không có thể gây ra các biến chứng sau đây:

  • Tăng huyết áp, tiền sản giật hay sản giật;
  • Sanh non;
  • Kẹt vai khi sanh, vì phần vai của thai to bất thường gây khó khăn cho giai đoạn sanh, đây là 1 biến chứng rất nguy hiểm;
  • Tăng nguy cơ thai chết lưu.

Đái tháo đường thai kì không được điều trị có thể làm cho thai có cân nặng lớn (còn được gọi là Macrosomia). Điều này có thể là chỉ định của mổ lấy thai hoặc kẹt vai khi sanh thường. Em bé với Macrosomia làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em và đái tháo đường nhóm 2.

Tiên lượng của đái tháo đường thai kì

Đái tháo đường thai kì thường sẽ tự mất đi sau khi sanh. Tiếp tục chế độ ăn phù hợp và tập luyện thể dục là điều bạn cần làm sau khi sanh. Sử dụng thức ăn chứa nhiều chất xơ và ít béo. Bạn cũng nên tránh sử dụng thức ăn ngọt và tinh bột bất cứ khi nào có thể. Cố gắng biến việc tập thể dục là 1 phần trong hoạt động của gia đình bạn là 1 cách cực kì hiệu quả để mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau để có sức khỏe tốt.

Phụ nữ có đái tháo đường thai kì có nguy cơ cao hơn phát triển thành đái tháo đường nhóm 2 sau đó. Vì vậy bạn cần phải làm lại các xét nghiệm đường huyết ở thời điểm 6-12 tuần sau sanh và sau đó là ít nhất mỗi 3 năm.

Những biện pháp giúp ngăn ngừa 

Thay đổi lối sống có thể giúp ngừa đái tháo đường thai kì cũng như giảm các nguy cơ biến chứng trong trường hợp bạn mắc phải:

  • Giảm cân trước khi mang thai;
  • Kiểm soát việc tăng cân trong thai kì;
  • Sử dụng thức ăn giàu chất xơ cũng như ít béo;
  • Giảm khối lượng 1 bữa ăn, tăng số lượng bữa ăn trong ngày (chia nhỏ bữa ăn);
  • Tập luyện thể dục.

Chế độ ăn

chất béo-omega 3

Bạn nên chú ý những điều sau trong bữa ăn của mình:

  • Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt;
  • Protein nạc (không mỡ): đậu hủ, thịt gà, cá;
  • Thức ăn ít chất béo;
  • Các loại trái cây ít ngọt;
  • Rau xanh.

Bạn nên hạn chế những thức ăn chứa dạng carbonhydrate (đường) tinh như các loại bánh ngọt, nước ngọt. Đây là những thực phẩm làm lượng đường trong máu tăng rất nhanh.

Tập thể dục

Đi bộ, bơi lội và tập yoga là những môn thể thao cực kì tốt trong thai kì. Tuy nhiên bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu.


Giới thiệu kết nối cộng đồng Y KHOA LD

fanpage facebook: Dụng cụ y khoa LD

Youtube: Y khoa LD

Trả lời