Cơn hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến 1 – 18% dân số tuỳ theo mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số (trẻ em từ 13 – 14 tuổi chiếm 14,8%) tương đương khoảng 4 triệu người mắc và lấy đi sinh mạng của 3 – 4000 người/năm.
Do đó, việc nhận biết cơn khó thở và xử trí ban đầu đúng là hết sức quan trọng đối với bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi được đưa vào bệnh viện.
Các dấu hiệu cảnh báo cơn hen phế quản cấp tính
Cơn hen phế quản đặc trưng bởi các dấu hiệu như khò khè, khó thở (hơi thở ngắn), đau hoặc nặng ngực, hay ho. Các dấu hiệu này xuất hiện đột ngột, thường xảy ra sau một yếu tố kích thích như: gắng sức quá mức, tiếp xúc với các chất gây dị ứng (như thuốc, thức ăn, …), thay đổi thời tiết, hay nhiễm virus hô hấp.
Những dấu hiệu báo trước một cơn khó thở do hen phế quản sắp xuất hiện là ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi… Sau những dấu hiệu đó, cơn hen phế quản xuất hiện với các triệu chứng: khò khè nặng cả khi người bệnh hít vào lẫn thở ra, ho liên tục, thở rất nhanh.
Nếu nhận biết và điều trị kịp thời triệu chứng khó thở sẽ cải thiện sau vài phút đến vài giờ. Nếu chậm trễ, các triệu chứng nặng hơn như: đau ngực, nặng ngực, nói khó, cảm giác lo âu, bất an, mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, tím môi và đầu ngón. Tình trạng trên nếu kéo dài, người bệnh sẽ bị giảm oxy máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức… và có thể tử vong.
Xử trí đúng khi có cơn hen cấp tính
Nhằm hạn chế tối đa việc xuất hiện những cơn khó thở cấp tính khiến bệnh nhân phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong, bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tránh các yếu tố khiến mình phải vào đợt khó thở cấp tính. Đồng thời, bên cạnh mình luôn luôn có bình thuốc cắt cơn khó thở dù đang ở bất cứ nơi nào.
Nếu chẳng may, xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của cơn hen, việc cần làm đầu tiên là tránh xa (nếu được) những yếu tố làm cơn hen xuất hiện như phấn hoa, lông thú vật, khói thuốc lá, mùi hoá chất, … và tìm một thoáng đãng để ngồi. Sau đó sử dụng thuốc để cắt cơn khó thở cấp.
Loại thuốc bệnh nhân thường được bác sĩ kê cho dùng để cắt cơn khó thở là những thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như Ventolin hoặc Berodual.
Nếu cơn hen phế quản nhẹ:
– Xịt hít 2 nhát/lần
– 20 phút sau, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát
– 20 phút nữa, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát nữa và đưa bệnh nhân vào bệnh viện.
Nếu là cơn hen phế quản nặng (lúc ngồi nghỉ cũng khó thở, nói không hết được nguyên câu, thở dốc): xịt hít thuốc cắt cơn và đưa vào bệnh viện gần nhất
Nếu là cơn hen phế quản đe doạ tính mạng (tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không thể nói chuyện được): gọi ngay xe cấp cứu, trong thời gian chờ đợi xe thì phải xịt ngay 2 nhát thuốc cắt cơn.
Ở những bệnh nhi hoặc những bệnh nhân lớn tuổi mà hít dụng cụ khó thành công, có thể sử dụng buồng đệm hỗ trợ.
Tóm lại, thân nhân và bệnh nhân bệnh hen phế quản cần phải có chế độ, kế hoạch phòng ngừa và điều trị bệnh hen theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cần tránh các yếu tố có thể khiến mình lên cơn khó thể có thể nguy kịch đến tính mạng. Luôn chú ý đến các dấu hiệu có thể xuất hiện cơn khó thở cấp tính và phải luôn mang bên mình thuốc cắt cơn khó thở.
fanpage facebook: Dụng cụ y khoa LD
Youtube: Y khoa LD