Cho con bú trực tiếp sữa mẹ luôn được các chuyên gia khuyến khích, nhưng trong một số trường hợp như mẹ đi làm hay con bú không hết thì mẹ buộc phải vắt sữa vào bình hoặc túi để trữ sữa mẹ trong ngăn đá tủ lạnh. Nhưng nếu không biết cách trữ đông và bảo quản sữa mẹ thì dễ dẫn đến giảm chất lượng sữa thậm chí sữa mẹ có thể bị nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé.
Bảo quản sữa mẹ đúng cách
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ sơ sinh trước khi chúng có thể ăn và tiêu hóa các loại thực phẩm khác. Sữa mẹ có đầy đủ các chất mỡ, tinh bột, đạm, vitamin. Các mẹ có thể tham khảo cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh dưới đây để trữ sữa đúng cách bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của bé nhé!
Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách
- Sữa mẹ sau khi vắt ra nên đổ ngay vào túi đựng sữa chuyên dụng.
- Cất sữa vào ngăn đá tủ lạnh ngay. Nếu không thể, hãy bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng có mức nhiệt khoảng 26°C nhưng lưu ý là chỉ để trong vòng 6 giờ. Tránh xa những nơi có bức xạ, ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác.
- Chia sữa thành các túi nhỏ với dung tích từ 80 – 120 ml (theo cữ bú của bé) để giảm thiểu thời gian làm lạnh, tránh lãng phí, khi rã đông thì sữa tan nhanh hơn.
- Nếu bị hư tủ lạnh hoặc cúp điện trong thời gian dài, mẹ nên lấy các túi sữa đã trữ đông cho vào thùng cách nhiệt cùng với đá viên.
- Khi sữa mẹ để tủ lạnh ở ngăn đá, thời hạn bảo quản như sau: Đối với tủ lạnh mini, chỉ có một cửa chung cho cả ngăn đá và ngăn mát có thể bảo quản được trong 2 – 3 tuần. Đối với loại tủ lạnh 2 cánh, có cánh riêng cho ngăn đá và ngăn mát, sữa mẹ vắt ra có thể để được 3 – 6 tháng. Nếu bảo quản sữa mẹ trong tủ kem, loại tủ đông chuyên dụng thì có thể bảo quản sữa mẹ từ 6 – 12 tháng. Tuy nhiên, sử dụng càng sớm sẽ càng tốt.
Rã đông và hâm nóng sữa mẹ
- Dựa vào thời gian vắt sữa, mẹ sẽ lấy sữa vắt trước rồi làm ấm và cho bé dùng trước, sữa vắt sau sẽ cho bé dùng sau. Không nên rã đông sữa ở nhiệt độ phòng, sẽ khiến vi khuẩn trong sữa tăng lên.
- Để rã đông sữa mẹ có thể hấp cách thủy hoặc làm ấm sữa bằng cách đặt bình chứa sữa vào một chén nước nóng khoảng 40°C. Không đun sữa mẹ hoặc hâm sữa bằng lò vi sóng vì sẽ làm hỏng sữa.
- Lắc nhẹ chai sữa để phần váng sữa và sữa trộn lẫn với nhau. Đừng lắc quá mạnh vì sẽ làm phân hủy một số chất dinh dưỡng có trong sữa.
- Kiểm tra nhiệt độ trước khi cho bé bú. Sữa phải ấm nhưng không quá nóng. Nếu bé bú không hết sữa sau khi rã đông thì bỏ đi, không được trữ lại.
Lưu ý khi vắt sữa và bảo quản sữa mẹ ở ngăn đá tủ lạnh
- Để hạn chế lượng vi khuẩn xâm nhập vào sữa, mẹ cần rửa tay thật kỹ cũng như vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ vắt sữa, đựng sữa trước khi hút sữa ra để tích trữ.
- Mẹ cũng cần lau sạch đầu vú trước khi vắt và chườm khăn ấm lên bầu vú khoảng 2 phút trước khi hút sữa mẹ.
- Mẹ có thể tích trữ sữa và bảo quản sữa mẹ bằng chai thủy tinh có nắp đậy, bình nhựa cứng không chứa BPA hoặc các dạng túi đông lạnh sữa mẹ.
- Không nên đựng sữa đầy chai/ túi, hãy chừa khoảng trống khoảng 2,5cm khi cho sữa vào, vì sữa sẽ nở ra khi bị đông lạnh.
- Sữa mẹ không cần phải qua bất kỳ bước xử lý nào trước khi đem để trữ đông. Nên cho sữa vào ngăn đá tủ lạnh ngay sau khi vắt.
- Khu vực trữ sữa trong tủ lạnh phải sạch sẽ, không có mùi hôi, tránh xa thực phẩm sống.
- Khi để sữa, mẹ nên để ở phía bên trong, ngăn dưới cùng của tủ lạnh. Đây là nơi lạnh và duy trì nhiệt độ ổn định nhất. Không nên để sữa ở phía ngoài mép tủ hay cánh cửa tủ vì sẽ làm sữa mau hỏng hơn.
- Nên dán nhãn và ghi ngày tháng vắt sữa ở từng chai/ túi đựng để tiện ghi nhớ hạn sử dụng của sữa trữ đông.
Fanpage facebook: Dụng cụ y khoa LD
Youtube: Y khoa LD